01/10/2019
MẸ - THẦN TƯỢNG CỦA TÔI
heart heart heart
......
Mỗi người chúng ta dù già hay trẻ đều có một thần tượng, khi còn là học sinh chúng ta thường thần tượng một ca sĩ, diễn viên, cầu thủ bóng đá hoặc một chàng trai, cô gái,... nào đó mà mình ngưỡng mộ. Đến tuổi trưởng thành bạn có thể thần tượng một nhà văn, nhà thơ, một doanh nhân thành đạt. Nhưng với tôi cả cuộc đời này tôi chỉ có một thần tượng duy nhất đó là mẹ.

Mẹ tôi không đẹp như những cô người mẫu, cũng không sang chảnh như những bà mẹ thành thị khác, mẹ tôi – một cô giáo làng bình thường. Khi ở trường mẹ là cô giáo thướt tha trong tà áo dài thanh lịch, khi buông bút, buông phấn mẹ lại trở thành một bà mẹ nông dân thuần túy như bao bà mẹ khác ở vùng ven sông Hồng quê tôi “hay lam, hay làm”, một đời tận tụy chăm lo cho chồng con, gia đình.

Sinh năm 1950 trong một gia đình khá giả, mẹ được đi học trung cấp sư phạm từ năm 1968. Ông ngoại tôi là đại tá quân đội, bà ngoại là mậu dịch viên1 của hợp tác xã. Thời ấy, mẫu gia đình bên ngoại của tôi là sự ao ước của nhiều người. Những năm đó nhiều gia đình danh giá nhờ người đánh tiếng hỏi cưới mẹ tôi, nhưng mẹ một mực từ chối để lấy bố tôi - con liệt sỹ không nơi nương tựa. Nghe bố tôi kể lại, ngày cưới mẹ bố không có sính lễ gì cao sang chỉ có hai gói thuốc lá Sông Cầu2, một lạng trà Bồm3, một chai rượu nút lá chuối khô do bố tự nấu. So với những gia đình khác có đủ cha mẹ để chăm lo cho con cái thì bố tôi thua thiệt hơn nhiều. Lúc ấy, ông chỉ có một căn nhà bằng vách đất, lợp rạ (mà người ta thường nhận xét là “nhà không ra nhà, lều không ra lều”). Trong nhà chỉ có hai chiếc nồi, hai chiếc bát và hai đôi đũa, nhưng bố tôi vẫn cưới được mẹ vì ông vốn siêng năng, hiền lành. Một phần, ông ngoại tôi cũng thông cảm vì ông nội tôi là bạn chiến đấu cùng chiến hào và ông nội đã hi sinh ngay trên tay ông ngoại.

Bố mẹ tôi lấy nhau và bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Bố tôi làm ruộng, khi nông vụ hết mùa thì đi buôn bán kiếm thêm củ khoai, củ sắn lo cho bốn anh chị em tôi. Còn mẹ tôi ngoài giờ lên lớp, lại tay cuốc, tay cày phụ bố làm đồng ruộng. Nhờ tài nấu ăn, đan len, đan quạt học được trong những năm đi học trung cấp Sư phạm nên những ngày chủ nhật, mẹ lại được người làng nhờ nấu cỗ khi gia đình có đám tiệc. Để trả công cho mẹ, khi thì họ biếu đãi xôi, vài lạng thịt, hoặc khoanh chả lụa,... Mẹ lại đem về “đổi bữa” cho chị em tôi. Những đêm đông, sau khi soạn giáo án xong mẹ tranh thủ đan áo, móc khăn len để bán vì áo mẹ làm ra có hoa văn đẹp mắt, lại còn có cả tên trên áo theo ý khách hàng, giá cả thì rẻ hơn so với áo chợ nên áo mẹ đan thường không kịp bán. Vào mùa hè, được nghỉ dạy mẹ lại nhờ bố lên miền núi mua Dang về chẻ nan, nhuộm màu rồi đan quạt bán cho bà con trong xóm. Ở quê tôi lúc ấy còn chưa có điện, quạt của mẹ đan vừa cứng, vừa nhiều màu sắc, họa tiết đẹp mắt nên được bà con trong xã đến tận nhà để đặt mua, không bao giờ phải ngồi bán ngoài chợ. Nhờ tính siêng năng cần cù của bố, sự hay lam, hay làm khéo vun vén gia đình của mẹ nên kinh tế gia đình tôi cũng khá dần lên. Chị em tôi cũng được ăn học và được chăm lo tốt hơn những đứa trẻ cùng lứa khác trong xóm. Đầu những năm 1990 quê tôi bắt đầu có điện, có máy dệt len, có quạt điện nên mẹ thôi không đan len và đan quạt nữa. Thì giờ rảnh rỗi mẹ lại tổ chức sinh hoạt phụ nữ trong xóm để hướng dẫn cho các bà, các chị cách nấu ăn. Mùa hè, mẹ lại mở lớp học tình thương cho các em nhỏ và người lớn không được đi học. Còn với chúng tôi, mẹ chỉ bảo và sắp xếp công việc cho anh em tôi một cách khoa học “lớn làm việc lớn, bé làm việc bé” nên anh chị em tôi đứa nào cũng biết tự lo cho mình và tự phân công nhau làm việc nhà như nấu cơm, giặt giũ, học hành, phụ bố mẹ nuôi heo, nuôi gà. Sau này khi đi học, đi làm xa nhà, chúng tôi cũng biết tự lập và hòa đồng với xã hội nhanh hơn. Không chỉ giỏi trong công việc gia đình mà ngay cả trong việc ở trường mẹ cũng luôn là một giáo viên dạy giỏi, luôn được phụ huynh tin tưởng yêu quý, ai cũng muốn gửi con cho mẹ tôi dạy học. Mẹ còn thường xuyên tham gia các hội thi ngâm thơ, thi hát dân ca, nhạc cách mạng, tham gia phong trào phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Cả năm chẳng thấy mẹ đau ốm bao giờ, nhiều lúc tôi hỏi: “Mẹ lấy đâu ra nhiều thời gian và sức khỏe đến thế?”. Mẹ lại bảo tôi: “Muốn lo được cho người khác thì phải biết tự chăm sóc cho mình trước. Mẹ mà ốm thì chị em mày lấy đâu ra cơm để ăn”. Cứ như thế, năm này qua năm khác, mẹ như một trái bóng lăn tròn theo chân chúng tôi. Mỗi bước chị em tôi đi đều mang theo bước chân và đôi tay của mẹ để che chở, đỡ đần, động viên.

Lớn lên bên mẹ không chỉ được mẹ chỉ dạy cho những công việc gia đình, mà mẹ còn dạy cho chị em tôi biết chăm lo cho người thân cũng như cho những người kém may mắn hơn mình. Tôi biết yêu thương gia đình khi nhìn mẹ ngồi quạt cho cả nhà ăn cơm trong những ngày bị cúp điện. Thuở ấy, anh chị em tôi thường chia nhau mỗi đứa mỗi cây quạt. Hễ người này ngưng tay thì người kia quạt tiếp cho cả nhà cùng mát và cùng ăn cơm, để mẹ không phải là người ăn sau cùng. Nhờ mẹ, chúng tôi biết nén cơm nóng thật chặt vào hai chiếc tô, bọc giấy cho kín (vì ngày xưa không có hộp nhựa, cũng không có bịch xốp như bây giờ) và ủ vào chăn bông cho bố đi xa, cho anh chị em đi học về muộn có cơm nóng để ăn trong những ngày đông giá rét. Nhờ mẹ, tôi còn biết trồng rau để có rau sạch cho gia đình ăn. Và nhờ mẹ, tôi đã đi qua được những năm tháng khó khăn, những thăng trầm cuộc sống, khi luôn được mẹ an ủi: “Cứ nhìn bố mẹ đây này! Từ hai bàn tay trắng bây giờ cũng có thua kém ai đâu. Cố gắng lên con, rồi khó khăn cũng sẽ qua”.

Mẹ - không cao sang, không sành điệu, không phải một triết gia hay một thi sĩ.
Mẹ - một người mẹ quê chân chất, thật thà, nhưng với tôi mẹ luôn là thần tượng

Bây giờ mẹ đã gần bảy mươi, mắt đã mờ, tai đã điếc và bị rối loạn tiền đình, nhiều lúc gọi điện về cho mẹ, tôi phải nhờ anh trai tôi (đang sống cùng bố mẹ ở quê) mở cuộc gọi video để mẹ nhìn khẩu hình mà đoán nội dung. Có hôm anh tôi đi làm, bố tôi phải mở bluetooth điện thoại kết nối với một chiếc loa thùng để âm thanh thật lớn. May ra mẹ tôi có thể nghe chút ít. Thế mà khi tôi hỏi: “Mẹ khỏe không?” thì mẹ lại trả lời: “Mẹ ăn cơm rồi con ạ”. Tôi cười mà nghe trong dạ xót xa. Cũng chính vì thế mà có những chuyện muốn chia sẻ riêng với mẹ, tôi cũng không thể chia sẻ được. Cứ mỗi lần bắt điện thoại qua loa là cả những người đi ngoài đường cũng được nghe câu chuyện của mẹ con tôi. Nhiều khi muốn nói thật nhiều với mẹ cũng không thể, tôi chỉ còn cách gọi điện để mẹ thấy được sự quan tâm, biết con cái vẫn luôn nhớ đến mẹ mà khỏi chạnh lòng. Tuy sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng mẹ vẫn một tay vun vén gia đình, chăm hết đứa cháu này đến đứa cháu khác và chăm sóc bố tôi. Có thể nói mẹ không rời nhà dù chỉ một ngày, vì mẹ bảo: “Mẹ đi vắng ai lo cho bố?”, nên mỗi khi chúng tôi muốn mẹ đi đâu thì phải sắp xếp để cả bố đi cùng. Mỗi tuổi mẹ lại sống theo một quan niệm khác nhau, nhưng những quan niệm của mẹ luôn luôn đúng. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, quan niệm đó của mẹ cũng làm anh chị em tôi an tâm phần nào để lo cho công việc và gia đình nhỏ của mình. Bên cạnh bố luôn có mẹ, bên cạnh mẹ luôn có bố. Và dù tuổi cao nhưng mẹ vẫn luôn lạc quan: “Bố mẹ còn khỏe, còn tự lo được, các con hãy lo cho gia đình của mình thật tốt đi”

Mẹ - không cao sang, không sành điệu, không phải một triết gia hay một thi sĩ. Mẹ - một người mẹ quê chân chất, thật thà, nhưng với tôi mẹ luôn là thần tượng.

T/g: Nguyệt Tiệp

Chú thích của tác giả:
- 1: Nhân viên bán hàng tạp hóa của địa phương trong thời bao cấp.
- 2: Một loại thuốc lá thông dụng trong các đám cưới ở miền Bắc những năm 70 thế kỷ XX.
- 3: Loại trà cám, trà vụn, rẻ tiền.
Nguồn: Áo-Xanh-Tp-Hồ-Chí-Minh-175626989899091/
2 Lượt thích   1 Lượt bình luận