NHỮNG THANH NIÊN YÊU NƯỚC - BỘ ĐỘI AN ĐIỀN
Bộ đội An Điền là đơn vị được thành lập từ xã An Điền, quận Thủ Đức, tập hợp từ số Thanh niên Tiền phong, những thanh niên đánh xe bò, xe ngựa và công nhân ...
Xem thêm NHỮNG THANH NIÊN YÊU NƯỚC - BỘ ĐỘI AN ĐIỀN
Bộ đội An Điền là đơn vị được thành lập từ xã An Điền, quận Thủ Đức, tập hợp từ số Thanh niên Tiền phong, những thanh niên đánh xe bò, xe ngựa và công nhân cao su, có số lượng khoảng 60 người, vũ khí trang bị được lấy ở một đồn lính Nhật bỏ lại. Lực lượng đã tổ chức phục kích 3 trận ở bến đò Bình Quới, Mít Nài và cây số 47 đường Biên Hòa – Vũng Tàu, đốt 7 xe của giặc Pháp thu nhiều vũ khí và đạn dược, trong đó có 4 khẩu đại liên Maxim, 5 súng Thompson và 20 súng trường.
Trận đánh thắng lợi được đồng bào hoan nghênh và làm nức lòng chiến sĩ. Sau thắng lợi này, để tránh bị giặc Pháp trả thù và để củng cố lực lượng, Quận 7 lúc này đã được thành lập nên điều động lực lượng An Điền về vùng Gia Định tức là vùng Vinh Lộc để cùng chiến đấu với lực lượng vũ trang tại đây như Chi đội 4 của ông Huỳnh Văn Trí, Chi đội 12 của ông Tô Ký.
Đúng 22 giờ ngày 21/6/1946, bộ đội An Điền đã về đến ấp 4 Vinh Lộc (nay là ấp 2, xã Vĩnh Lộc A). Ngày 22/6/1946 (nhằm ngày 23/5 năm Bính Tuất, giặc Pháp điều động Trung Đoàn thuộc số 11 với trên 1000 quân, ba mặt tấn công vào xã Vinh Lộc với ý đồ đánh bật các lực lượng vũ trang cách mạng tại Vinh Lộc.
Để giữ an toàn vòng đai bảo vệ Sài Gòn, giặc Pháp mở mũi tấn công trực diện vào nơi đóng quân của bộ đội An Điền. Cuộc chiến diễn ra từ sáng cho đến 13 giờ chiều, bộ đội An Điền chống trả quyết liệt nhưng do mới hành quân về trong đêm chưa chuẩn bị tốt cho chiến đấu, chỉ dựa vào những hàng tre chiến đấu của ấp 4 đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân địch.
Do chiến đấu kéo dài, Chi đội 4 đang đóng ở ấp 8, Vinh Lộc đã tổ chức chi viện cho bộ đội An Điền, mở mũi tiến công từ ấp 8 xuyên qua ấp 5, ấp 14 dọc theo kênh Kháng Chiến đánh vào bên hông của quân đội Pháp buộc chúng phải rút lui, mang theo nhiều tên đã tử trận. Cay cú vì thua trận trước khi rút lui giặc Pháp bắt hai thường dân là Nguyễn Văn Trổi và Nguyễn Văn Nhung bắn chết.
Trong trận đánh này, quân ta có 53 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 43 chiến sĩ bộ đội An Điền, 10 chiến sĩ Chi đội 4. Các đồng chí còn lại của bộ đội An Điền, Chi đội 4 cùng đồng bào ấp 4 thu dọn chiến trường gom xác của các chiến sĩ hy sinh chôn cất thành ngôi mộ tập thể.
Máu đào của các chiến sĩ đã tô thắm thêm vùng đất Vinh Lộc anh hùng. Nhân dân Vinh Lộc đã lập bia chiến công và đời đời nhớ ơn bộ đội An Điền.
Các cuộc hành quân của kẻ địch đã gây nhiều đau thương, tang tóc nhưng nhân dân xã Vinh Lộc không chùn bước, run sợ trước các cuộc càn quét của kẻ thù, càng nung nấu thêm ý chí đấu tranh để cùng cả nước làm nên những chiến tích anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.
Thế hệ hôm nay được hưởng hòa bình tự do từ sự hy sinh to lớn đó, nhìn lại quá khứ với tấm lòng trân trọng, luôn ghi nhớ công lao của bao nhiêu người đã ngã xuống, nguyện không bao giờ quên những ngày chiến đấu gian khổ của ông cha và luôn luôn cố gắng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp xứng đáng kế thừa sự nghiệp vẻ vang của những người đi trước.
(Tài liệu tham khảo: Sách Truyền thống đấu tranh cách mạng của xã Vinh Lộc)
Xã Vinh Lộc: tên gọi trước năm 1986 của địa phận xã Vĩnh Lộc A và xã Vĩnh Lộc B
https://media.zalo.me/detail/1548133123391612779…