BÀI DỰ THI THAM KHẢO TUẦN 5
Câu 1: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp của các nhân tố nào?
C. Chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Từ ngày 03 - 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9-1929) họp tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhất trí thành lập đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của các hội quần chúng, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Đảng được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác -Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử và là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Ái Quốc.
Câu 2. Do hoàn cảnh thế giới và trong nước khác nhau nên chủ trương sách lược, hình thức tập hợp và đấu tranh cũng phải khác nhau. Trong những năm 1936 – 1939, nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt của cách mạng Đông Dương là gì?
A. Chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống bọn phản động thuộc địa và tay sai; đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.
Tháng 7/1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong chủ trì ở Thượng Hải (Trung Quốc), dựa trên Nghị quyết Đại hội 7 của Quốc tế cộng sản, đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh. Về nhiệm vụ thì nhiệm vụ chiến lược là chống đế quốc và phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Về phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Về tổ chức, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương nhằm tập hợp các đảng phái, giai cấp, các đoàn thể chính trị, tín ngưỡng, tôn giáo, các dân tộc để cùng nhau tranh đấu đòi những quyền lợi dân chủ như tự do hội họp, tự do ngôn luận, xuất bản, ngày làm 8 giờ, mở rộng các cơ quan kinh tế, tài chính, Viện dân biểu, Hội đồng quản hạt,...
Phong trào dân chủ 1936 - 1939 là phong trào quần chúng rộng lớn, có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, buộc Pháp phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; cán bộ đựợc tập hợp và trưởng thành và tích lũy bài học kinh nghiệm, là một cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.
Câu 3. Hội nghị lần thứ tám (ngày 10-19/5/1941) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng được đề ra từ Hội nghị tháng 11/1939 có ý nghĩa quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bạn cho biết, Hội nghị này họp ở đâu, do ai chủ trì?
B. Tại Cao Bằng, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì.
Tháng 5/1941, với tư cách là đại biểu của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941) tại Pắc Bó (Hà Quảng - Cao Bằng), Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược của Đảng, trực tiếp góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Hội nghị nhận định chiến tranh thế giới đang lan rộng, phát xít Đức đang ráo riết chuẩn bị đánh Liên Xô, phát xít Nhật sắp gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, chiến tranh sẽ làm các nước đế quốc suy yếu, phong trào cách mạng thế giới sẽ phát triển một cách nhanh chóng; chỉ rõ cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp là dân tộc giải phóng. Do vậy, chính sách mới của Đảng là phải đặt quyền lợi của bộ phận, của giai cấp dưới quyền lợi giải phóng của toàn thể dân tộc; quyền lợi của nông dân, thợ thuyền phải đặt dưới quyền lợi giải phóng, độc lập của toàn dân, khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”, dự kiến hình thức khởi nghĩa là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi tổ chức và phương thức vận động của Mặt trận, vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc trong lòng dân; tên gọi Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương được thay đổi sang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc.
Câu 4. Hội nghị nào của Đảng đã đề ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"?
A. Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (mở rộng) tại Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh (3/1945).
Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng vào ngày 09/3/1945, toàn bộ nội dung Hội nghị được đồng chí Trường Chinh phản ánh một cách cô đọng, chính xác trong bản Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của Mặt trận Việt Minh trong cao trào chống Nhật, cứu nước, và có tác dụng quyết định trực tiếp đối với thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Chỉ thị thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời với tư tưởng chỉ đạo của Đảng là "phải hành động ngay hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo" như: Thay đổi khẩu hiệu "Đánh đuổi Nhật, Pháp" bằng khẩu hiệu "Đánh đuổi phát xít Nhật", thực hiện khẩu hiệu "Thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương”; Thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động tổ chức và tranh đấu nhằm phát động một cao trào Kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa, cổ động quần chúng mạnh dạn ra đường đấu tranh, phá kho thóc của bọn đế quốc để giải quyết nạn đói, bất hợp tác, bãi công, bãi thị, phá phách, biểu tình thị uy võ trang, du kích và sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện.
Câu 5. Sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, ngày 9/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị nào?
B. Chỉ thị Hòa để tiến.
Kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, chính quyền cách mạng vừa được thiết lập thì bọn đế quốc Anh, Pháp, Mỹ và Tưởng Giới Thạch (kéo sau là bọn phản động lưu vong) cùng nhau mưu toan xâu xé, chia cắt đất nước ta, hòng đè bẹp chính quyền non trẻ. Lường trước tình huống phức tạp trên, Đảng và Chính phủ ta quyết định tạm thời hòa hoãn với Pháp, cho quân Pháp ra miền Bắc, nhằm tránh tình thế cùng một lúc phải đấu tranh với nhiều kẻ thù, bảo toàn thực lực, tạo thêm thời gian củng cố chính quyền và thành quả cách mạng, tǎng cường tiềm lực để đưa cách mạng tiến lên; đồng thời để sớm gạt được quân Tưởng ra khỏi nước ta và loại trừ bọn tay sai của chúng. Để thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng và toàn dân, ngày 09/3/1946 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Hòa để tiến” nhằm nhắc nhở và đề phòng xu hướng “tả” khuynh, không muốn hòa với Pháp, không tin chủ trương hòa với Pháp là đúng. Xu hướng này có thể xuất phát từ lòng yêu nước chính đáng, nhưng nông nổi, có thể dẫn đến hành động tự phát, dễ bị bọn phản động khiêu khích. Đồng thời tránh cả xu hướng “hữu” khuynh, ngây thơ tưởng rằng Hiệp định Việt - Pháp đã giúp dân tộc ta tránh được mọi khó khǎn rồi. Xu hướng này dễ gây ảo tưởng, mất cảnh giác, không chuẩn bị đối phó với mọi bất trắc, dẫn đến bị động nếu thực dân Pháp tráo trở. Đến tháng 12-1946, không thể chấp nhận hơn được nữa những yêu sách và hành động phản trắc, ngang ngược của quân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Như vậy, trong vòng 16 tháng (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946), Đảng ta đã chủ động, khôn khéo, mềm dẻo để ứng phó hiệu quả với thù trong, giặc ngoài; lúc thì hòa hoãn nhân nhượng với quân Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước. Đó là những biện pháp cực kỳ sáng suốt và là một mẫu mực của sách lược về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và sự nhân nhượng có nguyên tắc trong chỉ đạo cách mạng của Đảng ta. Nghiên cứu phương châm, sách lược “Hòa để tiến” của Đảng và Hồ Chủ tịch cũng như phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biết” (lập trường, nguyên tắc không thay đổi, biện pháp, sách lược mềm dẻo, uyển chuyển, linh hoạt cho phù hợp với thời thế) trong giai đoạn này là rất cần thiết để áp dụng vào giai đoạn hiện nay, nhất là ứng xử giải quyết các vấn đề phát sinh tranh chấp với Trung Quốc và một số nước trên Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Câu 6. Bộ phim “Sao tháng Tám” của điện ảnh Việt Nam đã phản ánh thành công nhất cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút của những chiến sĩ cách mạng ở nội và ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945. Bạn cho biết, bộ phim này do ai làm đạo diễn?
A. (Cố) Đạo diễn NSND Trần Ðắc.
“Sao Tháng Tám” là bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc, đạt Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977. Phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám với những con người gầy còm, những mái nhà tranh liêu xiêu, cây đa, hồ nước hoang sơ, vắng bóng người; những con đường đất đầy lá cây, mái chợ quê liêu xiêu lợp bằng những bó rạ khô, những chiếc nón mê rách tươm chẳng còn nổi vành nón, những khu phố Pháp cũ còn nguyên dáng vẻ phồn hoa, sang trọng; nhà máy điện chạy than với những chiếc xe goòng chở than đẩy bằng tay..; những mảng màu đối lập của xã hội đương thời, đói nghèo, cái chết lầm than, người đói vật vờ như những cái bóng khắp các hang cùng, ngõ hẻm, với tiếng khóc, tiếng rên, tiếng kêu ai oán và sự xa hoa của những “ông lớn”, “bà huyện”; sự căm phẫn, tức tối trước một xã hội đầy bất công của nước ta trong thời điểm đó, sự đồng lòng đồng sức trong đồng bào, khẳng định một dân tộc độc lập, tự chủ; cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút, từ lôi kéo vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại việt gian của những chiến sĩ trong phạm vi nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945 – thời kì căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến.
Câu 7. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng là một trong những văn kiện mang tính chất Cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được ban hành ngày, tháng, năm nào?
B. 12/12/1946.
Chỉ thị Toàn dân kháng chiến là một trong những văn kiện mang tính chất cương lĩnh của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bản Chỉ thị vạch rõ mục đích cuộc kháng chiến là đánh thực dân Pháp xâm lược, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Tính chất cuộc kháng chiến là lâu dài và toàn diện. Chính sách của kháng chiến là liên hiệp với nhân dân Pháp, chống thực dân Pháp xâm lược; đoàn kết với Campuchia và Lào; thân thiện với các dân tộc yêu chuộng tự do hoà bình trên thế giới; đoàn kết chặt chẽ toàn dân, thực hiện toàn dân kháng chiến, bảo vệ dân và được lòng dân; phải tự cấp tự túc về mọi mặt. Cách đánh là triệt để dùng du kích, vận động chiến; bảo toàn thực lực kháng chiến lâu dài; phá hoại nhiều hơn bắn, triệt để làm cho địch tiêu hao, mệt mỏi, chán nản; vừa đánh vừa vũ trang thêm, đào tạo thêm cán bộ. Kháng chiến chia ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công. Chỉ thị còn nêu nhiều điểm cụ thể về cơ quan lãnh đạo kháng chiến: đoàn thể (Đảng), Chính phủ, Mặt trận dân tộc thống nhất; những điều răn dân và quân ta khi kháng chiến; những khẩu hiệu tuyên truyền trong kháng chiến.
Câu 8. Nói về vai trò của cán bộ trong cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Câu đó Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tác phẩm nào?
B. Sửa đổi lối làm việc.
Tháng 10/1947, vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp mới bắt đầu, qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền còn non trẻ, trong hàng ngũ cán bộ cách mạng đã sớm bộc lộ những nhược điểm, sai sót về lối làm việc như: bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa; từ 3 loại chứng bệnh này, lại đẻ ra hàng chục thứ bệnh khác như: bệnh quan liêu, bệnh kiêu ngạo, óc địa phương, bệnh xa quần chúng, bệnh ích kỷ… Những biểu hiện tiêu cực này không chỉ gây khó khăn cho sự nghiệp kháng chiến đang ở giai đoạn bước ngoặt có tính sống còn của cả dân tộc, mà còn là nguy cơ đe dọa làm thoái hóa biến chất bản chất cách mạng của Đảng, lý tưởng mục tiêu và phẩm chất đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, Hồ Chủ tịch đã viết tác phẩm “ Sửa đổi lối làm việc” để khắc phục những khuyết điểm trên. Nội dung “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” nằm ở Điểm “1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong” thuộc Mục III “Mấy điều kinh nghiệm” trong tác phẩm.